Trong tín ngưỡng Tục thờ hổ ở Việt Nam

Trong tiềm thức người dân Việt Nam, hổ là con vật đầy uy linh và gắn liền với rừng núi, được thờ phụng ở nhiều nơi

Trong tiềm thức và tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hổ hay ông ba mươi là tên gọi đầy uy linh, quyền kính trong những gian thờ như đình, đền, chùa, miếu mạo, miễu, thờ tại tư gia, hổ được coi là con vật linh thiêng, bởi thế mà danh xưng của nó cũng được thần thánh hóa bằng những cái tên như ngài, ông. Hình tượng "Hổ" được tôn thờ chính là một bước phát triển mới trong nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan của cộng đồng người Việt, trở thành một nét văn hóa.

Trong tự nhiên cuộc sống nguyên thuỷ xa xưa, rừng cây chật đất, người và thú dữ sống lẫn bên nhau, người săn thú, nhưng thú cũng ăn thịt người, một trở lực lớn đối với con người, thú dữ cũng được tôn làm thần thờ. Tín ngưỡng dân gian của người Việt thờ rất nhiều hiện tượng cũng như loài vật trong tự nhiên, với tâm niệm "vạn vật hữu linh", "có thờ có thiêng". Những hiện tượng ẩn chứa sức mạnh trong tự nhiên hay những loài vật có sức mạnh đe dọa đến đời sống con người, khiến con người sợ hãi là họ sẽ thờ tự. Việc thờ Thần Núi, Thần Hổ cũng bắt nguồn từ tâm niệm đó[4].

Xếp hàng thứ ba trong mười hai chi, cọp (Dần) là một hình tượng đa nghĩa, phức tạp trong tâm linh người Việt: vừa là ác thú, vừa là thần hộ mệnh. Từ thờ thần Hổ Cọp là ác thú được người kinh sợ đến độ lập đền thờ, hy sinh nhân mạng để tế lễ mỗi cuối năm, như tục thờ thần Hổ ở làng Ngọc Cục ở Hải Dương[5] nhưng mặt khác, cọp lại là phúc thần được vẽ tranh thờ để trừ tà yểm quái. Trong văn hóa Việt Nam tồn tại hai quan điểm song song về hổ, một quan điểm văn hóa đề cao và sùng kính sức mạnh, vẻ đẹp, sự khôn lanh của loài hổ đồng thời một quan điểm sợ và khinh gét, bài trừ vì những nổi ám ảnh do hổ gây ra.

Nhưng nhìn chung thì quan điểm văn hóa thứ nhất luôn thắng thế, trong tâm lý người Việt xưa, cọp lại được xem là phúc thần, được vẽ trên nhiều tranh thờ, nhất là miền Bắc, tranh Hắc Hổ có tác dụng diệt trừ quỷ Phạm Nhan thường đột nhập vào phòng người phụ nữ đang ở cữ để ám hại trẻ sơ sinh. Trong tâm lý người dân phía Nam cũng có niềm tin cọp là phúc thần[5]. Nhiều gia đình có tục thờ "ông ba mươi" như một cách để cầu công danh, mang lại sự may mắn[6].

Hổ là ác thần được biết đến qua tục giết người tế thần Hổ hay thần Xương Cuồng có ghi vào sử sách như Mộc Tinh trong Lĩnh Nam Chích Quái. Tục tế thần Hổ này có từ thời xa xưa trước Công nguyên, phong tục cổ sơ này, đã có vào thời các vua Hùng, khi quân nhà Tần và Triệu Đà lấn chiếm và đô hộ đất Văn Lang[7]. Cho dù phong tục hy sinh nhân mạng để tế thần Hổ là đơn lẻ, thì nỗi sợ cọp, kinh hãi hùm thiêng vẫn là một tâm trạng có thật, kèm theo tư tưởng mê tín. Cọp không còn là ác thú hăm dọa loài người và thần Hổ không còn là ám ảnh. Nhưng trong tâm lý, con người vẫn giữ một hình ảnh kỳ bí nào đó về chúa sơn lâm, về bộ lông tráng lệ, oai phong lẫm liệt, và hành tung bí ẩn. Vẫn còn một không khí hoang đường, u minh.

Ở Nam bộ Việt Nam, vào thế kỷ trước cọp nhiều vô kể. Chúng sống rải rác ở khắp nơi, ở các cánh rừng ngập mặn tại các cửa của sông Tiền, sông Hậu, kể cả những nơi đã được khai hoang khá sớm, như Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long. Những con cọp ở miền Nam rất táo tợn. Chính vì quá khiếp sợ nên người dân miền Nam khi khai hoàng phải tìm cách diệt cọp. Nhưng khi diệt cọp xong người ta lại lập miếu thờ cọp. Điều này cho ta thấy sự phức tạp trong tâm lý của các lưu dân và đồng thời cũng cho thấy tín ngưỡng thờ cọp đã có từ buổi đầu khai hoang, lập ấp. Đây là hiện tượng người Nam Bộ thờ cọp, họ sợ cọp nên thờ, gọi cọp là "Sơn quân chi thần", nhưng khi cọp đến phá phách nương rẫy, đe dọa đến tính mạng của con người thì họ cũng sẵn sàng tổ chức đánh đuổi cọp đi, hoặc giết cọp, giết xong lại lập miếu thờ[8].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tục thờ hổ ở Việt Nam http://www.doisongphapluat.com/doi-song/truyen-thu... http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/chuyen-tho-h... http://vannghetiengiang.thotre.com/news/Nghien-cuu... http://www.baodanang.vn/channel/6059/201303/ong-ba... http://baotayninh.vn/chuyen-ve-mieu-ong-ho-va-cay-... http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Trong... http://www.baovinhlong.com.vn/van-hoa-giai-tri/201... http://cadn.com.vn/news/64_154821_ly-ky-chuye-n-sa... http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/H... http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/N...